Câu hỏi thường gặp


Ngành Công nghệ Sinh học: Học gì, học ở đâu, ra trường làm gì?

Công nghệ Sinh học là gì?

Công nghệ Sinh học là ngành học có sự kết hợp giữa sinh học và công nghệ. Diễn giải một cách chi tiết hơn, ngành học này sẽ giúp bạn nghiên cứu và sử dụng những thực thể sống dựa trên nguyên lý sinh học để chế tạo nên các sản phẩm có ích cho loài người. Công nghệ Sinh học được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng chủ yếu tập trung vào 4 mảng chính là y dược, nông nghiệp, năng lượng và môi trường. Bạn chưa cần biết mình sẽ học gì trong ngành này nhưng đến đây là có thể phần nào hình dung sự nghiệp tương lai của ngành này rất đa dạng và rộng mở.

Ngành Công nghệ Sinh học có hệ đào tạo đa dạng phù hợp với mọi nhu cầu như chương trình cấp chứng nhận, chứng chỉ, bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Ngành này còn cho phép bạn học trực tuyến nhưng đây thường là lựa chọn của những người đã làm việc lâu năm có mong muốn bổ sung kiến thức để ứng dụng ngay vào công việc đang có.

Ai phù hợp với ngành Công nghệ Sinh học?

Nếu bạn sở hữu đủ 3 yếu tố sau thì ngành Công nghệ Sinh học có thể là lựa chọn sự nghiệp tiềm năng:

- Bạn cần giỏi các môn học quan trọng gồm Toán, Sinh học và Hóa học thì mới có thể tiến xa trong ngành này.

- Không ngại làm việc trong phòng thí nghiệm vì ngành học này đòi hỏi thời lượng đầu tư cho nghiên cứu khá nhiều.

- Sự cẩn thận và tỉ mỉ là yêu cầu bất thành văn khi chọn học lĩnh vực này đòi hỏi sự chính xác cao này. Sản phẩm bạn làm ra sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống nên không thể hời hợt và qua loa.

Học Công nghệ Sinh học xong ra trường làm gì?

Một số hướng đi phổ biến của sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học bạn có thể tham khảo như sau:

Đi dạy

Nếu bạn thích làm việc trong môi trường học đường thì có thể cân nhắc trở thành giáo sư hoặc giảng viên đại học. Yêu cầu cho các công việc này sẽ có khác biệt tùy thuộc vào từng nơi nhưng hầu hết sẽ đòi hỏi bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ với kinh nghiệm chinh chiến trong công việc thực tế. Với công việc này, bạn sẽ chịu trách nhiệm triển khai các dự án nghiên cứu trong khoa, trực tiếp đứng lớp giảng dạy và kèm cặp sinh viên.

Kỹ sư y sinh

Công việc của Kỹ sư y sinh là thiết kế và chế tạo các dụng cụ, thiết bị, hệ thống và phần mềm phục vụ cho lĩnh vực y khoa. Một số sản phẩm quen thuộc của công việc này ắt hẳn bạn đã biết là máy chụp X-quang, máy đo điện tâm đồ hay máy siêu âm. Nhìn chung thì tất cả những thiết bị công nghệ bạn thấy trong bệnh viện đều là công sức của các kỹ sư y sinh.

Kỹ sư môi trường

Nhiệm vụ của kỹ sư môi trường là bảo vệ môi trường sống và sức khỏe con người. Nhiệm vụ của vị trí này có thể bao gồm dọn dẹp vùng bị ô nhiễm, thúc đẩy quá trình ban hành luật về môi trường hoặc làm việc với các doanh nghiệp để giảm thiểu chất thải.

Kỹ sư nông nghiệp

Nhiệm vụ chính của vị trí này là tìm cách cải thiện quá trình sản xuất và tối ưu hóa chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp. Kỹ sư nông nghiệp có thể còn sáng tạo nên các loại thực phẩm mới cung cấp cho thị trường.

Kỹ sư hóa học

Công việc này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm hóa học trong đời sống hàng ngày như xăng dầu, mỹ phẩm, thuốc thang.

Thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp Công nghệ Sinh học thế nào?

Dù bạn chọn bất kỳ công việc nào liên quan đến ngành Công nghệ Sinh học thì cũng đều là những vị trí mang tính chuyên môn cao. Vì vậy nên mức thu nhập nhìn chung sẽ rủng rỉnh hơn so với những công việc phổ thông khác. Còn mức lương cụ thể ra sao thì sẽ tùy thuộc vào từng công ty, thị trường lao động của mỗi quốc gia và nhất là năng lực cá nhân của bạn. Bạn chỉ cần ghi nhớ một điều rằng ngành Công nghệ Sinh học rất quan trọng với đời sống xã hội nên nếu bạn có thực tài thì chắc chắn nhà tuyển dụng không ngần ngại giữ chân bạn với một mức thu nhập tương xứng.